Đau răng khiến bé khó ăn và cũng khó ở, lại còn sốt nữa, cách ba mẹ khá là lo lắng, vậy nên cũng nên tìm hiểu nguyên nhân sâu răng ở trẻ nhỏ để biết các phòng và chữa trị kịp thời cho bé nhé.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1, nguyên nhân trẻ bị sâu răng là do ở bề mặt răng có hàng tỷ vi sinh vật sinh sống, chúng nhỏ đến nỗi mắt thường không thể nhìn thấy được. Khi các bé ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất đường mà không vệ sinh răng sạch sẽ, chỉ 15 phút sau khi ăn, các vi sinh vật này sẽ hấp thu và tiêu hóa chất đường, biến đường thành axit hữu cơ làm mất khoáng men răng dẫn đến sâu răng.
Sau đây là một số nguyên nhân dẫn đến sâu răng ở trẻ nhỏ trong việc ăn uống :
* Thức ăn có chất dính: khoai lang, khoai tây, thức ăn được chế biến từ nếp và các loại bột (xôi, bánh trung thu, bánh cốm…), bánh snack…Các thực phẩm này, ngoài đường còn có chứa nhiều tinh bột, là một loại đa đường cũng có khả năng gây sâu răng, ngoài ra nó tạo những mảng bám rất khó làm sạch, giúp các vi khuẩn gây sâu răng như streptococcus mutans, lactobacillus acidophillus… phát triển thuận lợi đây là những thực phẩm không hề tốt cho răng đâu nhé.
* Thức ăn ngọt như: kẹo trái cây, kẹo bông gòn, “si rô đá bào”, các loại trà sữa, nước ngọt… các thực phẩm này chủ yếu được chế biến từ đường (đường saccarose, loại đường gây sâu răng nhiều nhất), hương liệu, phẩm màu… là những loại thức ăn được trẻ ưa thích nhất. Ngoài ra, trong nước ngọt có gas còn có chứa hàm lượng lớn axit gây bào mòn men răng.
* Thức ăn đường phố: cóc ngâm, xoài dầm chua, me ngào, mứt chùm ruột, cà na… là loại thức ăn đường phố được nhiều trẻ ưa thích, bên cạnh lượng đường cho vào khi chế biến dễ gây sâu răng, bản thân các loại trái cây chua có chứa nhiều axit gây mòn men răng.
Theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 2000, có 85% trẻ từ 6-8 tuổi bị sâu răng sữa. Răng sữa được hình thành từ tuần thứ bảy đến tuần thứ 10 của bào thai, răng sữa đầu tiên mọc trong khoang miệng khi bé được 6 tháng, bé có 20 răng sữa lúc 2 tuổi. Từ 6 đến 12 tuổi, các răng sữa sẽ lần lượt được thay bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, răng sữa bị sâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của răng vĩnh viễn. Vì vậy, các bé cần được chăm sóc sức khỏe răng miệng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần quan tâm đến các loại thực phẩm gây hại cho răng vì các bé dễ bị sâu răng do những thói quen ăn uống như: thích “ ăn vặt”, ăn thức ăn chua, uống các loaị nước nhiều đường… Cần tăng cường thức ăn bổ dưỡng tốt cho răng và nướu như rau quả, trái cây tươi, phô mai…
Để bé có hàm răng khỏe, đẹp, mẹ cần phải ăn uống đầy đủ lúc mang thai, các bé cần phải có một chế độ ăn đầy đủ và hợp lý theo từng lứa tuổi, tuân thủ các quy định về chăm sóc răng miệng theo hướng dẫn của nha sỹ như khám răng định kỳ, chải răng đúng cách, chải răng sau khi ăn ….
Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh sau ăn cho trẻ, sau mỗi lần ăn hay bú sữa phụ huynh nên dùng gòn hay gạc lau sạch răng cho trẻ. Không để trẻ ngậm bình sữa khi đi ngủ. Nếu trẻ cần bú bình mới ngủ được thì chỉ cho trẻ ngậm bình nước thường và lấy ra khi trẻ đã ngủ. Ngoài 1 tuổi, nên tập cho trẻ uống sữa bằng ly.
Chúc các ba mẹ có những kiến thức sát đáng để phòng ngừa sâu răng cho con mang lại cho bé sự thoải mái và cười thật tươi nhé.
0 comments:
Post a Comment